Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

BÚN THANG


Bún thang là món bún Hà Nội đã làm nức lòng biết bao người sành ăn. Đây được xem là một món quà thanh nhã, tinh tế bậc nhất của ẩm thực Hà thành.

Bún thang đã góp mặt trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội từ rất sớm. Sự ra đời của nó bắt nguồn từ món canh thượng thang của người Thủ đô xưa. Tận dụng các nguyên liệu truyền thống của ngày Tết như tôm khô, thịt gà, xương gà, giò lụa, trứng muối, củ cải dầm… bún thang vừa khéo làm tan biến cảm giác ngán ngấy món ăn đậm vị thịt, cá lại vừa thể hiện sự khéo léo, tiết kiệm, vun vén của những người phụ nữ Hà Nội xưa.

Khi nghiên cứu ý nghĩa cái tên của món ăn này, các nhà nghiên cứu ẩm thực cho rằng: Thang theo tiếng Hán có nghĩa là canh. Bún thang có thể hiểu là “bún được chan bởi canh”. Đơn giản vậy thôi nhưng lại không kém phần thú vị. Bởi lẽ, chỉ với cái tên đã cho thực khách thấy được phần cốt lõi, linh hồn của món bún cổ truyền chính là nước dùng. Nguyên liệu chính của nước dùng là từ xương gà hoặc xương lợn và tôm he được ninh nhừ.

Trong quá trình chế biến, người nấu phải hớt bọt liên tục và đều tay để nước dùng không bị vẩn đục. Một nồi nước dùng đạt chuẩn phải vừa trong, vừa ngọt thanh lại thoang thoảng mùi hương của tôm he, của nấm khô.

Làm bún thang còn cầu kì ở chỗ lựa chọn nguyên liệu, chế biến và trình bày tác phẩm. Người ta ước tính để làm một bát bún thang phải cần đến hai mươi loại nguyên liệu. Bún được chọn là bún rối được gỡ thành sợi nhỏ, trắng như bông mỡ. Thịt gà phải là loại gà ta, thịt mềm, xé nhỏ nhưng vẫn còn dính lại chút da óng ánh như lá vàng quỳ. Kế đến giò lụa cũng phải lựa chọn kỹ lưỡng, các khoanh giò được thái mỏng, ở giữa phải có màu hồng nhạt mới là giò ngon. Ruốc tôm phải ngọt mà không tanh, được làm bông lên. Củ cải khô xé sợi được dầm chua ngọt màu nâu vàng trông thật ngon mắt.





Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến thứ gia vị được coi là nét duyên ngầm của bún thang. Đó là mắm tôm. Như một thực khách đã từng nhận xét bún thang mà thiếu mắm tôm cũng giống như ăn phở không có nước dùng. Và cũng không thể không nhắc đến tinh dầu cà cuống như là nét tinh tế, đặc sắc nhất của món bún này. Chỉ cần một chút đầu tăm điểm nhẹ, mùi hương quế sẽ quyện vào bát bún tạo thành một hương vị thơm ngon khó tả. Chỉ tiếc rằng, ngày nay, cùng với sự biến mất dần của con cà cuống thì cái hương vị đó đã dần dần chỉ còn trong ký ức của người Hà thành khiến bao thực khách phải tiếc nuối.

Bún thang xưa chỉ được thưởng thức vào các dịp đặc biệt như ngày lễ hóa vàng mùng 4 Tết. Ngày nay, người ta thưởng thức bún thang trong cuộc sống hàng ngày và cũng không còn giữ được đủ các nguyên liệu truyền thống như xưa. Tuy nhiên, với những nguyên liệu cơ bản như hiện nay, món ăn này vẫn khiến những người đã từng một lần thưởng thức phải nhớ mãi.

(Theo Tri Thức Trẻ)

Giờ Ad sẽ hướng dẫn thành viên thực hiên món bún thang cầu kỳ bậc nhất này. Có thể sánh ngang với món phở hà nội xưa nay. Nguyên liệu làm bún thang không dưới 15 loại nguyên liệu khác nhau để làm bát bún thang này. Nhưng để đảm bảo các thành viên có thể thực hiện món này thành công Chef có sử dụng một số nguyên liệu thay thế để thành viên có thể thực hiện 1 cách dễ dàng hơn.
Nguyên liêu:
Xương ống, tôm khô, mực khô, tôm đất, xá sùng( có thể không cần vì khó mua và đắt), chút hành khô, hành tây, củ cải khô, cà rốt ( cái này có thể bỏ qua vì làm đồ chua ăn kèm) rau răm, thịt gà, trứng, giò lựa, nấm hương, hành lá, mắm tôm, hạt nêm, đường, muối, nước mắm.
Cách làm

- Ninh xương: Xương chặt khúc, luộc qua nước sôi có muối khoảng 5 phút cho sạch. Đem hầm xương lấy nước ngọt, trong quá trình hầm nêm chút muối, nước mắm và hạt nêm. -> nước dùng.

- Luộc gà: gà rửa thật sạch, luộc gà với vai củ hành khô nướng thơm, chút đầu hành và nửa củ hành tây nhỏ. Nước luộc có chút muối và hạt nêm. Chín vớt gà ra xé nhỏ hoặc thái tùy từng sở thích của mỗi gia đình. Lọc nước gà đổ cùng nước ninh xương để tiếp tục hầm. Xương gà cho vào hầm cùng nước ninh xương luôn.

- Tôm kho ngâm cho nở, bỏ nước đó đi, cho thẳng vào nồi nước dùng để ninh cùng. Cho tôm đất vào ninh cùng luôn.

- Nấm hương cũng ngâm nở, đừng bỏ nước, gạn lấy nước ngâm nấm cho vào nồi nước dùng luôn. Nấm nấu chín luôn trong nồi nước dùng, vớt ra thái sợi.

- Trứng bạn đập ra đánh đều, tráng thật mỏng và thái chỉ luôn- Giò lua cũng thái chỉ luôn. - Rau răm và hành thái nhỏ dùng làm rau nêm. - Ruốc tôm, bạn có thể lấy tôm khô ngâm nở, giã tơi, và sao nhỏ lửa trên chảo cho khô và bông. Nhà mình chơi nguyên con tôm khô luôn, khỏi làm ruốc tôm, ăn cũng vậy à, mà còn ngon hơn ruốc tôm ý. - Củ cải khô đã thái sẵn về ngâm nước cho nở và đỡ mặn, ngâm cùng với cà rốt và nước mắm chua ngọt.

- Cách nêm nước dùng mới quan trọng.

Tiêu chuẩn của nước dùng là có mùi tôm ninh cùng. Có thơm mùi mắm tôm, ngọt xương, ngọt từ tôm, ngọt đậm và nước trong.

Nếu muốn hãy sử dụng tỷ lệ chef nêm cho món bún thang: 1 hạt nêm, 1 đường, 1 nước mắm, 1/4 muối,

Trước khi ăn thì cho chút mắm tôm vào nước dùng nhé. Còn mọi người có thể nêm theo khẩu vị gia đình mình ăn.

- trình bày: bạn xếp bún rồi xếp các nguyên liệu khác lên trên, cho rau răm hành lá và chan nước dùng thôi.

Tệp :https://www.facebook.com/groups/1648383092055051/1670477596512267/

Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ.










cách chiên trứng: dùng chảo chống dính, rửa thật sạch sẽ trước khi chiên, làm chảo nóng trước khi cho dầu, chỉ cho 1 xíu dầu thôi làm láng mặt chảo rồi đổ hết dầu thừa ra ngoài, dính được đến đâu thì dính. Cho lên bếp cho nóng chảo tiếp, nhấc ra ngoài đổ chút trứng vào rồi nghiêng chảo đều và nhanh cho trứng lan đều khắp mặt chảo, đặt lên bếp xíu rồi lật rồi nhắc ra, lửa nhỏ thôi không cháy trứng. Trứng đánh kỹ lên nhé