Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Mụn Đầu Đen và Sợi Bã Nhờn - Cách Phân Biệt, Xử Lí và Ngăn Chặn



Trong những vấn đề về chăm sóc da, chắc chắn "Mụn Đầu Đen" luôn là cụm từ lọt top, bọn tớ lướt inbox page sơ qua thôi cũng thấy vô cùng nhiều thắc mắc, nhức nhối về cách điều trị xử lí khuyết điểm này. Có một sự thật tưởng chừng như rất đơn giản và cơ bản về Mụn Đầu Đen đó là, đến 80% cái thứ mà các bạn đang lo âu muốn điều trị, xử lí kia, thật bất ngờ, lại KHÔNG PHẢI là nó - không phải là Mụn Đầu Đen! Bắt bệnh không đúng thì đương nhiên điều trị không thể hiệu quả được. Vậy chính xác Mụn Đầu Đen là gì, và cách ngăn chặn nó cũng như cái thứ trông-giống-nó kia như thế nào, chúng tớ sẽ chia sẻ trong bài viết này hôm nay nhé :)



Không phải chỉ ở mình Việt Nam mà ở trên toàn thế giới cũng vậy, Mụn Đầu Đen (Blackheads) rất hay bị nhầm với Sợi Bã Nhờn (Sebaceous Filaments). Trong khi Mụn Đầu Đen thì được sử dụng quá nhiều, khắp nơi, sai nhiều hơn đúng, thì Sợi Bã Nhờn lại là một cái tên nghe chừng có vẻ ...mới mẻ quá? Nhưng chỉ cần google 3 giây thôi, bạn sẽ thấy ngay những định nghĩa khoa học của em í, nghe rất là quen thuộc với cái-thứ-có-đầu-đen-đen trên chóp mũi của chúng ta đấy ạ! (tớ cũng không chắc đây có phải là tên chính thức của nó không nhưng xin phép tạm dịch như thế này cho chính xác và sát từ gốc TA, khi nào tìm thấy từ chuẩn sẽ thay thế nhé ạ)



Sợi Bã Nhờn (nguồn)

Sợi Bã Nhờn được hình thành bởi hỗn hợp vi khuẩn, lipid bã nhờn, vảy mảnh và tế bào chết xung quanh nang lông dưới hình dạng sợi nhỏ. Nó thường có màu trắng hoặc vàng, và có thể thấy được sau khi thực hiện ấn, nặn bằng đầu ngón tay và tự động lấp đầy lỗ chân lông sau chu kì 30 ngày. Những sợi bã nhờn này được hình thành hoàn toàn tự nhiên, không phải là dấu hiệu nhiễm trùng. Chúng giúp cho bã nhờn được lưu thông, được đẩy từ từ lên bề mặt da. Những Sợi Bã Nhờn này thường được tìm thấy ở vùng mũi, da mỏng trên mũi hoặc cằm, và rất hay bị nhầm lẫn với Mụn Đầu Đen - một loại MỤN. Không giống như Mụn Đầu Đen, đây là một phần tất yếu của da con người và không thể xử lí triệt để được. Tuy nhiên, khi chúng ta già đi, tuyến bã nhờn sẽ làm việc chậm lại, giảm hiệu quả và từ đó những Sợi Bã Nhờn này cũng sẽ ít hình thành hơn.


"hình dạng sợi, màu trắng hoặc vàng" = Sợi Bã Nhờn

Sợi Bã Nhờn Sebaceous Filaments, hay bị nhầm lẫn với Mụn Đầu Đen Blackheads



Mụn Đầu Đen

Bã nhờn tích tụ lâu ngày hoá cứng lại thành đầu mụn chặn lỗ chân lông, bị ôxi hoá bởi môi trường hàng ngày, biến thành Mụn Đầu Đen. Mụn Đầu Đen còn được hình thành bởi những tế bào da chết đã bị thay mới quyện với bã nhờn. Chính những đầu bã nhờn ban đầu mang màu trắng này, dần chuyển sang nâu hoặc đen do ô xi hoá, dẫn đến tên gọi của chúng. Không nên tự ý cậy Mụn Đầu Đen do khả năng cao sẽ để lại sẹo. Với sự hỗ trợ của các bác sĩ da liễu có kinh nghiệm, Mụn Đầu Đen sẽ được đưa ra và có hình dạng dống hệt một nhân mụn bình thường, duy chỉ có phần đầu là Màu Đen do bị ôxi hoá.




Sự Khác Biệt giữa Mụn Đầu Đen và Sợi Bã Nhờn


Mụn Đầu Đen thường hình thành đơn độc, riêng lẻ trên da, trong khi Sợi Bã Nhờn thường hình thành theo cụm, theo mảng giống nhau tại các khu vực nhiều dầu nhờn của mặt như mũi hoặc cằm.
Mụn Đầu Đen thường to và đen hơn trong khi Sợi Bã Nhờn có đỉnh màu xám, hoặc nâu sẫm chứ không có màu than đen như Mụn Đầu Đen.
Khi sờ vào thì vùng có Sợi Bã Nhờn mềm, mượt tay hơn như da bình thường còn Mụn Đầu Đen sẽ gồ ghề, trồi lên trên bề mặt, cảm giác như Mụn bình thường
Mụn Đầu Đen thường đi kèm, đi cùng Mụn Đầu Trắng
Sợi Bã Nhờn có mặt trên hầu hết đa số mũi của người lớn, người trưởng thành và KHÔNG có mối liên quan gì đến mụn nói chung.


Cách Xử Lý Mụn Đầu Đen

Chỉ có đợi cho nó tự rụng đi hoặc nhờ lấy ra từ tay các bác sĩ da liễu, các chuyên gia có kinh nghiệm từ các spa và salon thôi ạ. Mình tự xử lí chắc cũng được nhưng nhưng mọi người phải cân nhắc cực kì kỹ lưỡng và đảm bảo vệ sinh (bằng việc sử dụng cây nặn mụn như hình dưới đây đã được thanh trùng) do việc này có thể để lại sẹo, nhiễm trùng và thâm nghiêm trọng đó nhen!





Cách Xử Lý Sợi Bã Nhờn

Về bản chất thì nguyên do khiến Sợi Bã Nhờn và Mụn Đầu Đen hình thành thì là tương đối giống nhau. Tuy ở trên tớ đã nhấn mạnh rằng Sợi Bã Nhờn là một phần tất yếu của da con người và không thể xử lí triệt để được, nhưng vẫn có một số cách làm giảm tốc độ hình thành của chúng, loại bỏ những Sợi Bã Nhờn lâu ngày (mà đã hoá tối màu) rất hữu hiệu như sau


Sử Dụng Miếng Dán Lột Mũi
Thường thì sợi bã nhờn cứ 30 ngày lại tự động hình thành/ lấp đầy như cũ sau khi mình đã loại bỏ, nhưng đối với những người chưa bao giờ từng động chạm hay xử lí gì chúng thì việc loại bỏ đi cái lứa ở đó quá lâu ngày thì đây là một bước rất quan trọng. Sử dụng miếng dán lột mũi như của Biore hay Mayan khá hiệu quả để thực hiện việc này. Cách sử dụng cũng khá đơn giản, bạn làm ướt vùng mũi bằng khăn mặt ẩm rồi nhẹ nhàng dán miếng này lên, đợi 10-15' cho khô cứng hẳn thì từ từ bóc ra. Miếng dán sẽ lôi ra những Sợi Bã Nhờn ở khu vực mũi. Tuy nhiên phương pháp này chỉ nên sử dụng ít (1 tháng/ lần) và cho những lần đầu do sử dụng nhiều có thể làm rộng lỗ chân lông của mũi mọi người nhé




Xông Mặt
Cá nhân tớ thì rất thích phương pháp này. Do nhà tớ có 1 khoang tắm khép kín, kèm xông hơi nên mỗi tuần một lần tớ cứ chui vào, bật chế độ tắm hơi, bật đài và ngồi ...hưởng thụ trong vòng 20' rất chi là sung sướng thoải mái. Đây là cách giúp lỗ chân lông mở ra tự nhiên, da nhẹ nhàng thải độc, không bị tác động gì thô bạo nên cũng rất dễ chịu và hiệu quả. Đối với những ai không có hỗ trợ từ máy móc thì chỉ cần đun 1 ấm nước thật sôi, thả 1 - 2 túi trà xanh vào chậu, đổ nước và dùng khăn tắm quấn quanh chậu, đưa mặt vào gần ngồi xông 8-10' cũng sẽ có tác dụng tương tự. Sau khi hoàn thành lấy 1 chiếc khăn lau nhẹ hơi trên mặt và dùng hai đầu ngón tay sạch nắn bóp nếu cần, bạn sẽ thấy mấy Sợi Bã Nhờn từ từ chui ra cực kì là dễ dàng.


nhưng nhớ tẩy trang rửa mặt sạch sẽ rồi mới xông chứ đừng bê nguyên makeup vào xông như chị này nha!


Mặt Nạ Đất Sét/ Bùn Khoáng: 
Một trong những sản phẩm có tác dụng hữu hiệu nhất trong việc làm sạch, hút sạch dầu và bã nhờn dư thừa từ các lỗ chân lông chính là mặt nạ đất sét (Clay Mask) hoặc bùn khoáng. Với thành phần chính bao gồm clay hoặc kaole, chúng thường làm sạch lỗ chân lông chúng mình rất hiệu quả, đặc biệt phù hợp với các bạn có da hỗn hợp thiên dầu và dầu, cần làm sạch kỹ phần chữ T (trán và mũi, cằm).
Tớ thường dùng mặt nạ này 1 tuần/ lần, duy trì tốt có thể thấy phần mũi sạch sẽ được cực lâu tới 2-3 tháng mà không lo Sợi Bã Nhờn xuất hiện trở lại. Có thể dùng tối đa tuỳ nhu cầu của bạn đến tận 2 lần/tuần nhé. Hai loại yêu thích của bọn tớ với giá cực hạt dẻ là Freeman Deadsea Mineral Clay MaskFreeman Facial Polishing Mask Charcoal - Black Sugar Mask (click vào tên sản phẩm để xem review chi tiết ạ)

Ngoài ra có em mặt nạ Nuxe Detox này cũng cực thích với vai trò xử lí Sợi Bã Nhờn hay còn gọi là Mụn-Đầu-Đen-Trá-Hình nữa, tớ cũng xin share ở đây cho các bạn tham khảo luôn.


Một em yêu mới trong dàn Clay Mask của 2 đứa 



Tẩy Da Chết Cơ HọcBọn tớ đã có một bài viết cũ khá chi tiết về chủ đề này, xin phép link ở đây nhé ạ. Một số phương pháp tẩy da chết cơ học yêu thích nhất của của bọn tớ gồm có


Dùng sản phẩm chuyên dụng
Sử dụng chổi rửa mặt/ máy rửa mặt. Yêu thích nhất của cả 2 đứa là Clarisonic Mia (review)
Sử dụng miếng mút từ xơ thực vật Konjac Sponge

Konjac Sponge khi ướt



Những tác dụng của Konjac Sponge



Tẩy Da Chết Hoá Học Với BHALà một phương pháp rất trendy trên thế giới hiện nay với vai trò tẩy da chết, làm sạch lỗ chân lông hiệu quả. BHA là cách viết tắt của Salicylic Acid, với dung dịch tầm 2% BHA nổi tiếng như Paula's Choice 2% BHA Liquid/Gel, những phân tử của dung dịch nhỏ xíu sẽ thẩm thấu sâu vào lỗ chân lông và làm sạch, loại trừ dầu nhờn dư thừa, xử lí tế bào chết và thúc đẩy quá trình thay mới tế bào được xảy ra nhanh và kịp thời hơn. Da từ đó cũng sẽ khắc phục được nhiều nhược điểm về mụn, cụ thể là Mụn Đầu Đen và cũng làm chậm quá trình hình thành của Sợi Bã Nhờn.

Cá nhân tớ đã thử qua dung dịch BHA 2% Liquid mùa hè năm ngoái, ngoại trừ 11 tuần purging có chút kinh hoàng thì sau đó cũng đã có kết quả rất khả quan với phương pháp này, cụ thể là về vấn đề giảm tốc độ hình thành của Sợi bã nhờn trên mũi. Tới mùa đông tớ tạm ngừng dùng do em í làm khô da nhiều quá, nhưng mùa hè tới sẽ quay về tiếp tục, nhưng lần này dùng formula RESIST như em Nhi ca ngợi cho đỡ thèm muốn ước ao =)) :X Quá háo hức ạ!


Next to try on my list



Bài viết hôm nay đến đây là hết rồi :D
Về việc chăm sóc da hay gì khác cũng thế, tớ luôn thấy bắt bệnh đúng, chuẩn đoán đúng sẽ là tiền đề cực kì quan trọng và mang tính quyết định tương lai thành công hay thất bại của việc chữa trị, khắc phục, ngăn ngừa. Hi vọng từ bây giờ từ khoá Sebaceous Filaments đã được đưa vào từ điển Skincare của các bạn để chúng mình có thể tìm hiểu thêm các kiến thức khác về chúng thay vì gọi nhầm là Mụn Đầu Đen - Blackheads nhé.

Rất hi vọng bài viết đã giúp ích được chút ít gì đó cho mọi người
Hẹn gặp lại cả nhà ở bài viết/video clip lần sau