Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

CỒN - LỢI HAY HẠI?


Khi những sản phẩm được gắn mác “alcohol-free” xuất hiện, nhiều phụ nữ lập tức nghĩ ngay rằng đó mới là mỹ phẩm tốt, còn những thứ chứa cồn là có hại cho da. Thật ra, cồn không xấu đến thế, và “alcohol-free” cũng chỉ là một trong những lựa chọn về chăm sóc da.


1. Đừng đổ tiếng oan cho cồn

Cồn trong mỹ phẩm thường được liệt kê trong bảng thành phần với cái tên chứa từ khóa “Alcohol”. Tuy nhiên, có hai loại cồn phổ biến với hai tác dụng hoàn tác khác nhau cần được phân biệt rõ: cồn béo (fatty alcohol) và cồn khô (drying alcohol).

Cồn béo được biết đến là loại cồn có ích trong mỹ phẩm. Cồn béo mang lại rất nhiều lợi ích, trong đó khả năng dưỡng ẩm, làm dịu và mềm da là nổi bật nhất. Một số loại cồn béo thông dụng và an toàn (trừ các trường hợp dị ứng) là cetyl alcohol, cetearyl alcohol, stearyl alcohol, behenyl alcohol và myristyl alcohol.

Mang các đặc tính hoàn toàn khác cồn béo, cồn khô giống với cồn trong rượu bia và thường xuất hiện dưới các tên ethanol, methanol, alcohol, ethyl alcohol, alcohol denat, benzyl alcohol, isopropyl alcohol và những loại SD alcohol. Cồn khô là loại cồn chịu nhiều tiếng xấu, nhưng thực ra, nó không xấu 100%.

2. Vì sao cồn khô cần cho mỹ phẩm?

Sử dụng cồn khô mang lại nhiều lợi ích dưới góc độ của các nhà sản xuất. Nhờ đặc tính chống khuẩn và khử trùng hữu hiệu, nhiều hãng mỹ phẩm sử dụng thành phần này với mục đích bảo quản và tăng tuổi thọ sản phẩm.

Hơn nữa, cồn khô còn là một dung môi hoàn hảo giúp hòa tan các chất và ngăn ngừa sự kết tinh của thành phần. Khả năng này của cồn khô khiến kết cấu sản phẩm trở nên nhẹ hơn, đồng thời giúp các dưỡng chất quan trọng thấm nhanh và sâu hơn.

Các sản phẩm chứa cồn khô, điển hình là toner hay kem chống nắng, thường mang tính thẩm mỹ cao hơn nhờ khả năng làm se lỗ chân lông và giúp làm khô dầu trên bề mặt da. Chính vì vậy, các cô nàng da dầu thường hay sử dụng và có cảm tình với những sản phẩm chứa cồn khô do cảm giác khô thoáng và bề mặt da bớt bóng dầu.


Kem dưỡng mắt chứa cồn béo Clinique All About Eyes Rich

Nước hoa hồng không chứa cồn khô Neutrogena Alcohol-free Toner

Kem chống nắng Shiseido Anessa chứa hàm lượng cồn khô cao để tạo hiệu ứng khô ráo ngay sau khi bôi


3. Cồn khô có hại cho da?
Ở nồng độ cao, cồn khô làm mất đi dầu và protein ở bề mặt, ảnh hưởng đến lớp màng ẩm của da, gây khô, lão hóa sớm, kích ứng trong một số trường hợp và giảm khả năng tự bảo vệ của da mụn. Vậy nên những làn da khô, nhạy cảm, dễ kích ứng và mụn nhọt nên tránh sử dụng các sản phẩm có cồn khô xuất hiện ở những vị trí đầu bảng thành phần, điển hình là một số loại toner nền cồn.

Tuy nhiên, ở nồng độ thấp, hoặc ở các sản phẩm có công thức tốt chứa những thành phần dưỡng ẩm có lợi bù lại tính gây khô, sự có mặt của cồn khô có thể mang đến nhiều lợi ích vượt trội cho da dầu như giúp các dưỡng chất thẩm thấu sâu hơn, sản phẩm khô nhanh hơn và tạo cảm giác khô thoáng.

<3 Lời khuyên

Nếu bạn có làn da dầu nhưng không tự tin về kiến thức mỹ phẩm để lựa chọn, lời khuyên an toàn là tránh các sản phẩm chứa cồn khô ở nồng độ cao. Thay vào đó, bạn có thể tìm đến các sản phẩm dưỡng da chứa những thành phần có lợi cho da dầu hoặc mụn như salicylic acid (tẩy da chết và loại bỏ dầu thừa), benzoyl peroxide (giảm dầu, diệt vi khuẩn gây mụn), kaolin (có trong các loại mặt nạ đất sét hút dầu), hyaluronic acid (dưỡng ẩm mà không gây nhờn, bí da) hay silica hoặc dimethicone (các khoáng chất họ silicones có khả năng kiềm dầu, không làm tắc lỗ chân lông, thường thấy trong những sản phẩm primer hoặc serum)…

<3 Cách nhận biết nồng độ cồn trong sản phẩm

Xem trên bảng thành phần, nếu cồn được liệt kê ở gần cuối chứng tỏ nồng độ cồn trong sản phẩm thấp. Nếu cồn xuất hiện trong khoảng 5 thành phần đầu tiên, có thể coi nồng độ cồn trong sản phẩm là cao, cần cân nhắc kĩ hơn trước khi mua (da bạn có khô và nhạy cảm không, hoặc sản phẩm có bao gồm những thành phần có lợi, có thể bù lại tính gây khô không).
- Nhi Ngô-

 Nguồn: https://theskincarejunkie.wordpress.com/2015/01/19/con-alcohol/