Như chúng mình vẫn hay nói với mọi người rồi đấy, về chăm sóc da thì hầu
như không có một khuôn khổ cứng nhắc cố định nào có thể áp dụng được
cho tất cả mọi người. Việc hiểu được da mình là loại nào (click vào Cách xác định loại da
nếu bạn chưa biết), đang cần gì, rồi tự tay xây dựng nên từng bước cho 1
chu trình hoàn hảo để chăm sóc nó là rất quan trọng. Có người may mắn
thành công ngay từ những lần đầu tiên, nhưng có những người mất hàng
chục năm trời để theo đuổi, hoàn thiện nó mà chưa chắc đã thấy hồi kết.
Dạo gần đây chúng mình có nhận được nhiều email, tin nhắn băn khoăn về
việc lựa chọn sữa rửa mặt. Đưa ra một vài cái tên thì đơn giản, nhưng để
tự mình chủ động tìm được 1 loại sữa rửa mặt chuẩn nói riêng, và các
sản phẩm skincare phù hợp nói chung, thì trước nhất chúng mình phải ngồi
với nhau nói về một thứ gọi là Lớp Màng Bảo Vệ Da cái đã.
Ngắn gọn mà nói, làn da chúng mình được bao bọc và bảo vệ bởi một lớp màng ẩm bảo vệ (moisture
barrier) cực kì quan trọng mà không phải ai cũng biết đến. Việc vô tình
làm tổn thương lớp màng này qua nhiều ngày tháng sử dụng sữa rửa mặt
không phù hợp, hay rửa mặt quá nhiều, bảo vệ da không đúng cách, v...v..
chính là cách làm cho da bị hư tổn, lên mụn, khô bong, nhạy cảm...
nhanh nhất. Dù các bước khác bạn có làm đầy đủ đến đâu mà tấm màng này
bị tổn thương, mọi thứ đều khó có thể tiến triển!
Màng ẩm bảo vệ cụ thể là gì?
Lớp biểu bì của da chúng ta (phần mắt thường có thể thấy được) cấu thành
bởi rất nhiều lớp tế bào khác nhau. Lớp ngoài cùng đóng vai trò bảo vệ,
chính là moisture barrier này, còn có tên khác là lipid barrier hay stratum corneum.
Nó chính là lớp gồm các tế bào sừng đã chết, được liên kết với nhau bởi các acid béo tự do,
ceramydes, và các lipid khác. Tất cả "tay trong tay" hợp thành 1 lớp
màng 'khóa' độ ẩm, chống nước, ngăn chặn vi khuẩn, các tác nhân gây dị
ứng, kích ứng, hoặc các vi sinh vật khác, không cho chúng xâm nhập vào
da chúng mình. Tấm màng này còn hỗ trợ cho việc thay mới của các tế bào
dưới những tầng sâu hơn của da nữa ạ.
Khi tấm màng này bị hỏng, tổn thương, da sẽ gặp ngay hiện tượng 'mất nước
xuyên biểu bì'. Da lúc này sẽ nhạy cảm hơn, dễ kích ứng hơn, đỏ tấy,
rát ngứa, nổi mụn. Giống như kiểu cơ thể khi bị thiếu nước, bạn sẽ loạng
choạng chóng mặt, lăn ra ngất xỉu và mất khả năng tự vệ ấy. Nghe thì
đáng sợ nhưng quá trình phá hủy này xảy ra rất từ từ, nên nhiều người
chủ quan không nghĩ đến.
Việc tấm màng bị hỏng còn làm cho cơ thể tự động sản sinh ra thêm dầu
nhờn với hi vọng tự phục hồi lại được lớp bảo vệ, nên da sẽ thành vừa
thiếu nước vừa nhờn dầu. Bên cạnh các vấn đề như tẩy da chết quá đà,
cháy nắng, thì thủ phạm chính hủy hoại tấm màng này là việc rửa mặt với
sản phẩm có độ pH quá cao.
Acid Mantle - "Lớp Áo Choàng Axit"
Lớp ngoài cùng của màng ẩm bảo vệ moisture barrier mang tính axit (nên mới có tên là Acid, họ là Mantle thế kia đó), có độ pH dao động trong khoảng 4.0-6.0
(trung bình là 4.7) - tối ưu để bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của các vi
khuẩn có hại, nấm, kí sinh trùng, và đảm bảo được lớp sừng của da được
dẻo dai, bền đẹp. Độ pH càng thấp trong khoảng này, da càng được bảo vệ
hiệu quả. Chính vì thế nên việc sử dụng các sản phẩm có độ pH cao sẽ hủy
hoại lớp acid mantle này nhanh chóng. Ở môi trường kiềm (độ pH quá
cao), lớp sừng bị nhũn, rời rạc và mất khả năng bảo vệ. Thế là, da sẽ
nhanh chóng bị khô, bong tróc, mọc mụn, dị ứng, nhạy cảm, mẩn đỏ, v..v..
từ đây mà ra cả. Da thường khỏe hơn nếu có độ pH dưới 5 (nguồn).
Một trong những thủ phạm nguy hiểm nhất, đáng gờm nhất - chính là các
loại xà phòng rửa mặt với độ pH cao hơn 6 đấy. Cứ tưởng tượng mà xem,
một ngày 2 lần, chúng mình liên tùng tục phá hủy lớp acid mantle này một
cách vô thức, da chưa kịp hồi phục đã phải 'ra gió khi ốm', rồi cuối
cùng đẻ ra bao nhiêu vấn đề đáng lo ngại như mình nhắc đi nhắc lại từ
nãy đến giờ. Mụn bọc (cystic acne) chính là một trong những số đó.
Chắc chắn đến đoạn này, chúng mình sẽ không khỏi thắc mắc rằng, thế còn việc dùng toner
thì sao? Chẳng phải đấy chính là thứ sẽ đưa da mặt về độ pH lý tưởng
cần có? Đúng nhưng không đủ ạ. Vì khi đã làm tổn thương lớp màng rồi,
việc cố níu kéo sửa chữa như vậy không thể tốt bằng ngay từ đầu mình
biết chăm sóc, nâng niu nó bằng cách rửa mặt thật đúng.
Kiểm tra độ pH của sữa rửa mặt
Những phần quan trọng nhất dẫn đến kết luận này đều ở trên kia hết rồi. Còn bây giờ thì ...Đơn giản í mà, hãy nói 'không' với các loại sữa rửa mặt có độ pH cao hơn 6 để
da chúng mình luôn đc khỏe mạnh ngay từ đầu nhé. Nghe thì dễ thật đấy
nhưng biết làm sao cái nào có độ pH hơn 6 thì quá khó đi, vì chẳng hãng
hàng nào chịu cung cấp cho chúng mình thông tin về độ pH của sữa rửa mặt
họ sản xuất cả. Kể cả bác Google cũng bó tay, bọn mình đã mất hẳn 1
buổi sáng tìm thông tin này để đưa vào bài cho mọi ng nhưng cũng không
thấy huhu.
Có một cách tuy 'cây nhà lá vườn' nhưng lại chính xác cực kì và còn vui nữa. Đó là mua giấy quỳ về và ...tự thử. Chúng mình đã mua được ở phố Phương Mai với giá 25k/tập cả trăm miếng, tha hồ dùng. Và kết quả thì rất là hay ho
- Sữa rửa mặt Innisfree Green Tea Foaming Cleanser - pH 9.0
- Sữa rửa mặt Shiseido Perfect Whip- pH 9.0
- Sữa rửa mặt Skin Food Makgeolli Bubble Cleansing Foam- pH 7.0
- Sữa rửa mặt The Body Shop Tea Tree Skin Clearing Facial Wash - pH 6.0
- Sữa rửa mặt Clean & Clear Deep Action Daily Pore Cleanser - pH 6.0
- Sữa rửa mặt Philosophy Purity - pH 6.0
- Sữa rửa mặt Cetaphil cho da hỗn hợp/ dầu - pH 6.0
- Sữa rửa mặt Cerave Hydrating Cleanser (cho da khô, hỗn hợp khô) - pH 6.0
- Sữa rửa mặt Clinique Liquid Facial Soap Mild- pH 6.0
- Nước tẩy trang Bioderma - pH 6.0
- Nước máy ở Việt Nam - pH 7.0
Lưu ý: Kết quả có thể không chính xác hoàn toàn do giấy quỳ loại bọn tớ mua được chỉ đo được theo số đã làm tròn
Bảng so kết quả giấy quỳ |
Kết quả đo đạc của tớ |
Kết quả quá thú vị đúng không ạ? Cái gì xanh xanh như thế kia thì thôi rồi ạ, sọt rác thẳng tiến nhé các chị em :((
Nếu có thể, chúng mình xin động viên mọi ng phóng xe ngay ra Phương
Mai chiều nay, mua lấy 1 tập giấy quỳ rồi chia cho các cô nàng xung
quanh và bảo "Mày ơi, thử sữa rửa mặt mày đang dùng đi, cao hơn 6 thì đừng dùng nhé!".
Đấy, có khi chỉ cần thế thôi là cô bạn thân kia sẽ đỡ biết bao nhiêu
đêm mất ăn mất ngủ, bao nhiêu cơn buồn phiền tự ti vì mặt mụn, rồi cả
tiền bạc đầu tư chữa trị nữa cũng nên đấy :*
Chỉ số pH của một số thứ thân thuộc |
Ngoài ra, bọn mình xin tổng kết ngắn gọn các cách bảo vệ, phục hồi và củng cố lớp moisture barrier như sau để các bạn tham khảo thêm:
- Quan tâm đến độ pH của tất cả các sản phẩm skincare bạn đang dùng - nói Không với các sản phẩm có độ pH trên 6. Quan trọng nhất là sữa rửa mặt đấy nhé!
- Sử dụng nước hoa hồng/cân bằng (toner) có tính acid (độ pH 3.0-4.0 hoặc với nồng độ acid 2%-8%)
- Sử dụng dầu chiết xuất từ thực vật có chứa acid béo (nhằm củng cố liên kết của các tế bào sừng của lớp moisture barrier) trong chu trình chăm sóc da hàng ngày
- Không rửa mặt quá 2 lần/ngày, không tẩy da chết quá đà, tránh cho da khỏi cháy nắng
- Cung cấp đủ độ ẩm cho lớp moisture barrier với kem dưỡng ẩm. Kem dưỡng ẩm tốt luôn chứa những humectants như glycerin và hyaluronic acid để giữ nước trên da lâu hơn.
Đừng quên nếu bạn đã, đang và sẽ sử dụng các sản phẩm như tẩy da chết hóa học BHA,
các sản phẩm đặc trị chống lão hóa như retinol, tretinoid, thì việc bảo
vệ lớp màng ẩm này cần được ưu tiên tuyệt đối (như là tăng sức đề
kháng, thể lực cho cơ thể trước khi đi leo núi, vượt biển í). Da khỏe
thì các sản phẩm kia mới phát huy được hết tác dụng. Còn không thì còn
phản tác dụng nữa í ạ.
Vậy là hết rồi! Hi vọng bài viết có chút thông tin bổ ích và chúc cho
các chị em có một lớp màng bảo vệ cực kì cực kì khỏe mạnh nhé! Chúng
mình dắt nhau đi mua giấy quỳ thôi :) Và chia sẻ với chúng tớ độ pH của
bất kì loại sữa rửa mặt nào bạn thử được nhé, biết đâu chúng mình lại
chung tay xây dựng được list độ pH của các loại sữa rửa mặt đầu tiên
trên thế giới thì saooooo!!!! Bọn tớ chờ đấy :*
Nguồn: loveat1stshine