Chuyên đề cho bé học măm bắt đầu
Mình biết rất nhiều mẹ chăm con giỏi và siêu hơn mình, nên những gì mình viết chỉ mang tính chất chia sẻ và... kể lể, đúc rút kinh nghiệm từ quà trình chăm sóc bé Bìn nhà mình thôi nhé. Các mẹ có thể tham khảo, hoặc không tuỳ ý.
Bé Bìn nhà mình được hơn 15 tháng rồi. Bé đã bắt đầu trở nên khó tính hơn trong vấn đề ăn uống. Mình được mẹ mình hỗ trợ trong việc chăm sóc bé. Hai mẹ con mình đều thống nhất cho bé ăn dặm kiểu Nhật từ khi bé 6 tháng tuổi. Nhưng gần đâu, khi bé đã lớn hơn, biết nhiều thứ, thì không còn chịu ngoan ngoãn cho gì ăn nấy như trước nữa. Thậm chí, Bìn cũng trở nên khó tính hơn khi uống sữa. Buổi sáng ngủ dậy, con không cầm ngay lấy bình sữa như mọi khi. Mà tha thẩn chơi đến trưa có khi cũng không buồn uống.
Thế nên, thực đơn cho bé trong thời điểm này chính là mấu chốt.
Con ăn gì cho đủ chất?
Mỗi ngày mẹ đều phải làm cho con những món ăn mới lạ. Tuyệt đối không mua đồ ăn sẵn ngoài hàng. Bởi vì các bạn biết đấy, đâu có cửa hàng nào bán đồ ăn sẵn chuyên biệt cho trẻ em đâu? Ngay cả các kid's menu ở quán cafe hay KFC, Lotteria...v.v... đều là những món ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu hoá, dành cho các bé lớn, khoảng 5,6 tuổi trở lên thôi.
Công việc của mẹ và bà giai đoạn này trở nên phức tạp hơn. Lúc nào cũng phải nghĩ nát óc: "Hôm nay cho bé ăn gì?". Rồi "trang trí ra sao cho bé chịu ăn?"
1. Có nên cho con tự ăn không?
- Câu trả lời của mình là NÊN LẮM CHỨ. Bắt đầu từ 15 tháng tuổi, bé Bìn đã bắt đầu tự ăn. Để cho con có cảm giác thích thú với việc ăn thì hãy cho con ăn "NHƯ NGƯỜI LỚN". Bìn có bàn ăn riêng nhé, có ghế ăn nè. Khi ăn, Bìn phải ngồi vào bàn ăn nhé, Bìn sẽ cầm thìa tự xúc nào. Mẹ còn đặt bên cạnh một đôi đũa em bé, nếu Bìn thích thì mẹ chỉ Bìn cách cầm đũa nhé!
- Con cầm đũa và thìa rất vụng về. Nhưng khi được khen ngợi, động viên thì bé sẽ cực kỳ cố gắng để xúc thức ăn sao cho không bị rơi vãi.
- Mình kinh hãi khi đọc bài báo trên mạng "Mẹ việt hại đời con" cái gì blah bleh ý. Mình nghĩ người viết bài đó hơi tiêu cực và có giọng điệu cực coi thường những mẹ dạy con khác chị ấy. Đại ý là chị ấy cho con ăn bốc, nên những mẹ không cho con ăn bốc thì chị ấy... kỳ thị @@
- Mình cũng cho Bìn ăn bốc, khi con cảm thấy quá khó khăn để xúc một món ăn nào đó. Mình không ngại dọn dẹp sau đó, dù khi ăn con rơi vãi rất nhiều. TUY NHIÊN, mình luôn động viên khuyến khích con ăn sạch sẽ, dùng thìa xúc như người lớn. Mình và bà ngoại bé hay nói: "À, con không xúc được à? Con có thể bốc, mẹ cho phép con bốc. Nhưng Bìn ơi, nếu cầm thìa xúc, thì con xúc như thế này mới đúng, mới không rơi nhé!". Khi bé xúc được đồ ăn bằng thìa, mình sẽ nói: "A, Bìn giỏi quá, ăn như người lớn! Mẹ tự hào về Bìn quá đi!"
- Vì vậy, cho dù Bìn vẫn chỉ là 1 em bé, nhưng khi ăn dù là ăn bằng tay hay bằng thìa, con cũng ăn rất gọn gàng, chứ không nghịch thức ăn bầy nhầy giống như những gì chị nọ viết trong bài viết mà mình đọc được. Khi Bìn làm vãi thức ăn, Bìn sẽ nhặt lên và đưa cho mình. Còn nếu là đổ nước, con sẽ chỉ xuống sàn, để mẹ lau sạch rồi mới ăn tiếp.
- Mình không dám nói cách dạy con ăn của mình là đúng, nhưng mình nghĩ ít nhất với trường hợp nhà mình, thì mình đã không dạy bé ăn sai cách.
2. Thực phẩm cho con, chế biến như thế nào?
- Giai đoạn khi Bìn 6 tháng đến 12 tháng, mình trung thành với "Ăn dặm kiểu Nhật".
- Nhờ vậy, khi 7 tháng tuổi, Bìn đã có thể măm cơm, dù chỉ là nuốt chửng vì bé chưa có răng.
- Bé Bìn bỏ qua giai đoạn "ăn cơm nát". Con tiến thằng từ ăn súp, cháo tới ăn cơm như người lớn luôn.
- Tất nhiên bữa ăn của Bìn được làm riêng, chứ không nấu chung với người lớn. Vì cho đến tận bây giờ, khi Bìn đã hơn 15 tháng, mình vẫn không cho bất kỳ gia vị nào vào đồ ăn cho bé.
- Đối với món súp, canh, mình sử dụng nước hầm rau củ và thịt để chế biến. Vị ngọt của rau củ đã quá đủ và con không cần ăn thêm muối, hay đường gì.
- Đối với các món chiên xào, mình dùng dầu oliu để nấu cho con.
3. Trang trí món ăn cho con ra sao?
- Người lớn còn ăn bằng mắt huống chi con trẻ. Bé càng lười ăn, mẹ lại càng phải cần cù.
- Việc trang trí bữa ăn cho bé giúp kích thích thị giác và vị giác của bé.
- Món ăn mới, ngày hôm nay khác ngày hôm qua cũng là điều khiến con ăn nhiều và ăn ngon hơn trước. Thậm chí buổi tối bữa ăn phải khác buổi trưa. Nếu nấu 1 lần cho con ăn cả ngày, thì bữa sau con sẽ ăn ít hơn bữa trước.
- Phần ăn cho con cần đủ các màu: Xanh, đỏ, vàng, trắng ( xanh của rau, đỏ của cà chua, cà rốt hoặc xúc xích em bé, hay thịt chiên, củ cải đỏ...v.v, trắng của cơm, hoặc mỳ, vàng của trứng, phô mai...v.v... )
- Tráng miệng bằng trái cây hoặc bánh ngọt.
- Đối với bánh, mình nướng những loại bánh riêng cho con, không dùng bột nở, muối nở, phẩm màu gì hết. Nguyên liệu để con dễ ăn, dễ tiêu. Thậm chí không dùng kem sữa.
4. Kiên nhẫn khi cho con ăn.
Vầng, cuối cùng đối với người mẹ, vẫn chỉ là "kiên nhẫn" và "kiên nhẫn" mà thôi.
- Nếu bé không chịu ăn, bạn hãy làm món mới ở bữa kế tiếp. Không nhồi nhét con ăn vì bé có thể sẽ bị nôn, trớ, ói.
- Không la mắng con khi con nghịch trong bữa ăn. Hãy nhẹ nhàng nói con không được làm vậy và dọn dẹp chúng. Khi bạn dọn dẹp với tâm trạng buồn rầu và nói: "Mẹ rất buồn!". Bé sẽ quan sát và cảm thấy hối lỗi. Rất có thể lần sau bé vẫn nghịch như vậy, nhưng cảm giác làm cho mẹ buồn, sẽ dần dần khiến bé thay đổi.
- Giờ ăn cũng chính là giờ dạy con, những bài học mà mình hay dạy bé là:
+ Gia Bình, con không được lãng phí thức ăn. Nếu con không thích ăn, con phải để lại để bố mẹ ăn giúp con. Lãng phí thức ăn là rất xấu.
+ Gia Bình, mẹ rất vất vả để làm đồ ăn cho con. Con ăn ngoan là con yêu mẹ.
+ Gia Bình là em bé ngoan. Em bé ngoan thì sẽ ăn ngoan.
Hoặc những bài học về màu sắc:
- Gia Bình, cà chua có màu đỏ con nhé! Ăn cà chua mắt con sẽ sáng lấp lánh.
- Gia Bình, con ăn cho mẹ rau màu xanh nào.
Hay bài học về sự chia sẻ:
- Gia Bình, mẹ đói meo meo, Gia Bình cho mẹ măm măm với.
...........
Hết giờ chia sẻ, mẹ Bìn chuẩn bị đi chợ chiều đây! Bai bai các mẹ!