Ảnh: atrl.net |
Chào mọi người!
Bình thường, mình không thích viết bài chia sẻ kiến thức vì chắc gì kiến
thức mình biết/ tìm được đã đúng mà chia sẻ :v, nhưng hôm nay mình sẽ
phá lệ và viết một bài về một vấn đề mà rất nhiều bạn băn khoăn: chọn
màu son đỏ nào cho phù hợp.
Nếu bạn ít nhiều quan tâm đến mỹ phẩm, chắc cũng biết thừa công thức
kinh điển: warm undertone chọn warm red, cool undertone chọn cool red.
Nếu bạn hài lòng với kết quả từ công thức này đem lại, xin chúc mừng.
Còn nếu bạn như mình, không hài lòng, hoặc bạn muốn biết ngọn nguồn gốc
rễ của vấn đề để tự mình tìm một màu son đỏ phù hợp, thì hãy đọc bài
viết này nhé! Trước khi chúng ta lao vào tìm màu son đỏ, hãy trở về tìm
hiểu cách nhận biết và phân biệt cool red và warm red, nhưng đầu tiên
chúng ta sẽ quay trở lại học chút kiến thức vật lý về quy luật của màu
sắc (rất rất thú vị!) mà nếu học xong, bạn sẽ ước giá như mình được học
nó sớm hơn :))
Bắt đầu thôi nào!
Lưu ý: - Màu sắc của chữ trong bài chỉ mang tính minh họa do blogspot không cho mình nhiều lựa chọn về màu chữ.
- Màu son trong các hình minh họa không chuẩn xác so với thực tế do ảnh hưởng của ánh sáng khi chụp và chất lượng của màn hình.
1. Quy luật cộng và trừ màu
Sơ đồ cộng màu và trừ màu Ảnh: Zingblog |
Dù vấn đề màu sắc đã được đưa ra tranh luận từ rất lâu (mọi người có thể đọc thêm về lịch sử nghiên cứu màu sắc tại đây, rất thú vị), nhưng phải tới năm 1807, Thomas Young mới đưa ra được ba màu cơ bản (màu sơ cấp) trong ánh sáng là đỏ (red), lục (green) và lam (blue).
Bạn có nhớ không, logo của VTV chính là 3 màu này đấy ạ ^^ Mình nhớ có
một năm cuộc thi Canon marathon tổ chức ở Việt Nam cũng lấy chủ đề chính
là Đỏ, lục và lam. Các nhiếp ảnh gia dự thi đều hối hả đi tìm các đồ
vật, phong cảnh,... có 3 màu này để chụp, nhưng trên thực tế đó chính là
ẩn ý của người ra đề, với đề tài như vậy bạn có thể chụp bất cứ thứ gì,
bất cứ màu sắc nào. Vì sao lại thế là vì sao lại thế? Đó là bởi, từ ba
màu này pha trộn với nhau theo từng cặp với tỉ lệ khác nhau sẽ cho ra
tất cả màu sắc trên Trái Đất này. Còn với tỉ lệ 1:1, từng cặp màu sẽ cho
ra được 3 màu thứ cấp là tím hồng (magenta), vàng (yellow) và xanh da trời (cyan). Tóm tắt công thức như sau:
Đỏ + lục = vàng Đỏ + lam = tím hồng Lục + lam = xanh da trời Lục + lam + đỏ = trắng
Tuy nhiên, quy luật cộng màu lại không có hiệu lực trong pha màu hóa
chất. Để pha màu vẽ, màu thực phẩm, màu trong hóa mỹ phẩm,... thì các
họa sĩ, người pha chế phải tuân theo quy luật trừ màu. Theo đó, ba màu
sơ cấp trong hóa chất lại là vàng, tím hồng và xanh da trời. Công thức
như sau:
Tím hồng + xanh da trời = lam Tím hồng + vàng = đỏ Vàng + xanh da trời = lục Vàng + xanh da trời + tím hồng = đen
Trên thực tế, bạn hãy nghĩ đơn giản rằng quy luật trừ màu dành cho nhà
sản xuất, còn bạn với tư cách người tiêu dùng, hãy nhớ lấy 4 công thức
cộng màu phía trên, bởi mắt bạn phân biệt được màu sắc là nhờ vào ánh
sáng.
2. Áp dụng vào chọn màu son đỏ như thế nào?
Học thuộc lòng 4 công thức trên là bạn đã nắm được chìa khóa mở ra bí
quyết chọn bất cứ màu son nào với undertone phù hợp. Nhưng chúng ta hãy
bắt đầu với màu son đơn giản nhất mà cũng nhức nhối nhất theo cả nghĩa
đen lẫn nghĩa bóng là son đỏ. Hãy nhớ lại phần đặt vấn đề của mình: làm
thế nào để nhận biết và phân biệt warm red và cool red? Lâu nay bạn vẫn
nghe tới 2 từ này nhưng chưa thực sự biết làm thế nào để phân biệt. Trên
thực tế, hãy nghĩ một cách đơn giản: cool red có blue undertone, warm
red có green undertone (không phải yellow nhé, mình đang nói về vấn đề
bản chất).
Ảnh: lolitariot.blogspot.com Bạn này viết sai chính tả tên son Ruby Woo. |
Đầu tiên mình sẽ nói về blue undertone trong son đỏ. Bạn có nhớ mình đã
nói là trộn 2 màu cơ bản theo tỉ lệ 1:1 thì sẽ cho ra các màu thứ cấp
không? Trong trường hợp này, 2 màu blue và red có tỉ lệ chênh lệch nhau
rất lớn, vì vậy sau khi phần red đủ để cộng với blue cho ra magenta rồi
thì vẫn còn thừa rất rất nhiều đỏ, màu đỏ chiếm ưu thế hơn hẳn trong
son. Khi bạn swatch son ra tay và quệt cho màu đỏ nhạt bớt đi, bạn sẽ
thấy màu hồng lộ diện, bởi đỏ + hồng tím = hồng. Đây chính là cool red,
với màu son đại diện tiêu biểu là MAC Ruby Woo, Wet n Wild Stoplight Red
(2 màu này đỏ hồng chuẩn mực).
Tóm tắt: đỏ + lam = hồng tím hồng tím + đỏ = hồng hồng + rất nhiều đỏ = đỏ hồng --> cool red
Ảnh: Pinterest |
hoặc với son đỏ tím cũng tương tự, nhưng do tỉ lệ blue nhiều hơn nên:
đỏ + lam (tăng lên so với đỏ hồng 1 tí) = tím hồng tím hồng + đỏ = tím tím + rất nhiều đỏ = đỏ tím --> cũng cool red
Đỏ tím tiêu biểu có thể kể đến MAC Diva, Wet n Wild Cherry bomb.
Ảnh: makeuputopia.com |
Tiếp theo là về green undertone. Cũng như trường hợp trên, green hòa với
red sẽ cho ra yellow, nhưng vì đỏ chiếm ưu thế hơn hẳn nên khi swatch
ra tay và làm nhạt đi màu đỏ, màu bạn nhận được sẽ là kết quả của lần
hòa màu thứ hai, đó là màu cam (orange). Màu tiêu biểu không gì khác
ngoài MAC Lady Danger, Revlon Strawberry Suede.
Tóm tắt: đỏ + lục = vàng vàng + đỏ = cam cam + rất nhiều đỏ = đỏ cam --> warm red
Đó là phần nhận biết và phân biệt, còn chọn màu son theo undertone nào
là quyền của bạn. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, màu cool red hợp
với hầu hết tông da. Các bạn có da yellow undertone (thuộc nhóm warm
undertone) như mình sẽ được hưởng lợi từ cool red bằng việc da và răng
trắng hơn. Bạn có biết vì sao không? Hãy vận dụng công thức cuối trong 4
công thức cộng màu đi nào ;)
lam (trong son) + vàng (của da) = lam + (đỏ + lục) = trắng
Tất nhiên sự kết hợp này không thể khiến bạn trắng toát như tờ giấy được, vì lượng blue ở đây cũng nhỏ thôi, nhưng bạn đã thấy điều kì diệu của màu sắc mà mình nói ở đây chưa? ;)
Các bạn Tây da trắng nhợt (mà theo lời các bạn ý là trắng như ma, hehe)
khi sử dụng warm red sẽ được hưởng lợi không ít nhờ màu vàng (đỏ + lục)
trong son giúp da các bạn ý có sức sống hơn hẳn.
Bạn biết phong cách trang điểm pin up chứ? Lông mày đậm và xếch, đuôi mắt mèo, mà hồng đậm, môi màu blue red. Bạn có biết vì sao họ đánh màu má đậm vậy không? Đó là bởi blue undertone trong son đã "triệt tiêu" chút sắc vàng còn sót lại trên làn da vốn đã rất trắng của họ rồi! Ảnh: room4shoes.deviantart.com |
Việc áp dụng quy luật cộng màu trong việc chọn son đỏ được mình gọi ngắn
gọn là quy luật "nghịch undertone" (từ này tự bịa ạ :]]).
MAC Kinky Ảnh: friendsmania.net |
Có một điều mà quy luật chọn son thuận undertone hay nghịch undertone
đều đồng ý, đó là neutral red phù hợp mọi tông da, tức là không có lam
hay lục chi hết, chỉ có đỏ mà táng. Màu son tiêu biểu: MAC Kinky, Wet n
Wild Red Velvet.
3. Áp dụng trong chọn son hồng
Tam giác cộng màu của Maxwell Ảnh: nguyendinhdang.wordpress.com |
Về cơ bản, việc chọn son hồng cũng cùng quy luật cộng màu với chọn son
đỏ. Có điều khác với son đỏ, son hồng thiên biến vạn hóa hơn nhiều. Đầu
tiên hãy nhìn vào hình phía trên, tam giác cộng màu của Maxwell. Như mọi
người có thể thấy, từ đỉnh Red chạy dần về phía blue là các sắc độ hồng
tím khác nhau thuộc cool undertone, và cũng từ đỉnh Red chạy dần về
phía đỉnh Green là các sắc độ màu hồng cam khác nhau thuộc warm
undertone. Từ đỉnh Red, hãy kẻ một đường trung tuyến (nối từ đỉnh R đến
trung điểm của đoạn GB, trung điểm chính là điểm có số 0,5 đấy ạ, gọi
tạm điểm này là I). Nếu màu son của bạn nằm trong ô thuộc khu vực RBI
thì nó là cool undertone, còn thuộc khu vực RGI sẽ là warm undertone ạ.
Nếu bạn đọc đến đây và vẫn hiểu được mình đang nói gì thì xin tặng bạn một tràng pháo tay, cũng tự tặng mình một tràng pháo tay vì đã làm bạn hiểu, còn nếu bạn nghĩ thầm trong đầu: "Lằng nhằng!" thì hãy cảm ơn thế giới muôn màu đã kịp nghĩ ra đủ thứ tên để tặng cho các sắc độ hồng khác nhau. Nên bạn có thể nhớ đơn giản:
Warm undertone: coral (hồng cam, san hô), peach (cam hồng, đào)
Cool undertone: fuchsia (hồng tím), baby pink (hồng bợt), bubblegum pink (chả biết dịch ra là gì :]]),... sơ sơ thế thôi ạ.
Còn việc trang điểm, phối hợp màu sắc thế nào cho mắt môi ăn ý, phù hợp với quần áo,... lại là một câu chuyện khác, hẹn mọi người lần sau.
Hy vọng bài viết này đã giúp ích cho mọi người!
Chào thân ái và quyết thắng! ;)
Nếu bạn đọc đến đây và vẫn hiểu được mình đang nói gì thì xin tặng bạn một tràng pháo tay, cũng tự tặng mình một tràng pháo tay vì đã làm bạn hiểu, còn nếu bạn nghĩ thầm trong đầu: "Lằng nhằng!" thì hãy cảm ơn thế giới muôn màu đã kịp nghĩ ra đủ thứ tên để tặng cho các sắc độ hồng khác nhau. Nên bạn có thể nhớ đơn giản:
Warm undertone: coral (hồng cam, san hô), peach (cam hồng, đào)
Cool undertone: fuchsia (hồng tím), baby pink (hồng bợt), bubblegum pink (chả biết dịch ra là gì :]]),... sơ sơ thế thôi ạ.
Còn việc trang điểm, phối hợp màu sắc thế nào cho mắt môi ăn ý, phù hợp với quần áo,... lại là một câu chuyện khác, hẹn mọi người lần sau.
Hy vọng bài viết này đã giúp ích cho mọi người!
Chào thân ái và quyết thắng! ;)