Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Bánh nhãn Nam Định



Mải công việc quá chẳng để ý thời gian. Hôm qua xem lịch mới nhận ra tháng 1 đã đi qua hết một phần ba rồi. Những ngày này, vừa mong thời gian trôi nhanh hơn, vừa mong thời gian trôi chậm lại. Nhanh hơn để chóng nhìn thấy những đứa con tinh thần mà mình đã “thai nghén” trong hàng chục tháng trời. Còn chậm hơn vì biết khi có thể được gặp chúng cũng sẽ là lúc có rất nhiều thay đổi xảy ra và một giai đoạn mới sẽ bắt đầu. Tốt hơn hay xấu hơn, chưa thực sự biết được. Nhưng có một điều là chắc chắn mình sẽ phải nói lời tạm biệt với rất nhiều thứ mà mình đã rất quen thuộc và yêu mến…

Thời gian vừa rồi bận bịu nhiều thứ nên mình cũng có ít thời gian vào bếp hơn. Nhưng chắc sẽ phải cố gắng quay lại sớm thôi. Vì chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán rồi. Sẽ lại có dịp để “bày bừa” bao nhiêu là món ngon. Như món bánh nhãn này chẳng hạn. Hồi làm món này lần đầu tiên, mình thật sự thắc mắc sao các ông bà hồi xưa “siêu” quá, nghĩ ra món ăn đơn giản mà lại quá ngon miệng như thế này. Bánh chỉ được làm từ bột và trứng rồi chiên lên, thế mà giòn tan, hơi ngòn ngọt và bùi bùi. Bánh rán ngập trong dầu mà không ngấy tí nào. Ngồi nhấm nháp vui miệng mà không để ý thì có khi hết cả rổ lúc nào không hay. Hơi giống kiểu bánh bi zon zon ngày xưa mình thích, nhưng bánh nhãn bùi và đậm đà hơn. Bánh có thể để lâu nên để tiếp khách đợt Tết mình nghĩ chắc sẽ rất hợp.


Nguyên liệu 

Phần nguyên liệu này làm được khoảng 50 – 70 viên tùy kích cỡ to nhỏ. Các bạn có thể tăng lên nhiều hơn tùy thích nhé. 

A. Phần bánh
60 gram trứng (1 quả trứng gà công nghiệp hoặc 2 quả trứng gà ta)
70 – 75 gram bột nếp (sticky rice flour)
10 gram đường kính trắng
Mỡ hoặc dầu ăn để rán bánh

B. Đường áo ngoài bánh
15 – 20 gram đường trắng
1 thìa cà phê (1 teaspoon = 5 ml) nước
Hương liệu: va-ni, dầu chuối, tinh chất hoa bưởi, … tùy thích

Cách làm

1. Đập trứng vào bát to. Dùng nĩa đánh trứng tan kĩ.


2. Cho đường và bột nếp vào bát, trộn đều cùng trứng.


Sau khi trộn xong, ta sẽ có một khối bột dẻo mịn và không dính tay. Nếu khối bột còn ướt thì các bạn có thể cho thêm chút bột nếp. Nếu khối bột quá khô và bở thì cho thêm chút nước.


Lượng bột nếp sẽ thay đổi tùy theo loại bột bạn sử dụng (do mỗi loại bột hút nước nhiều ít khác nhau). Các bạn có thể dùng bột nếp tự xay từ gạo. Tuy nhiên cần điều chỉnh lượng bột, miễn sao sau khi trộn xong ta có một khối bột không dính tay là được.

3. Lấy một phần bột nhỏ, vê thành viên tròn. Khi rán bột sẽ nở gấp 3 – 4 lần nên vê bột nhỏ một chút thì bánh sẽ vừa miệng và xinh xắn hơn. Viên bột nhỏ rán cũng nhanh chín và dễ giòn lâu hơn là viên bột to.




4. Đun nóng dầu ăn hoặc mỡ trong chảo (cho nhiều dầu mỡ, đủ để bánh ngập trong dầu). Để lửa vừa (mình rán ở mức 3/6 của bếp điện). Khi dầu hơi ấm nóng thì cho bột vào rán. Dùng đũa đảo đều và nhẹ tay. Bánh sẽ nở dần dần.




Rán đến khi vỏ bánh chuyển màu vàng nhạt, nếm thử thấy bánh giòn tan từ trong ra ngoài (phần ruột bánh không còn vị mềm dẻo hay dai, ướt nữa) thì vớt bánh ra, để lên trên đĩa có lót giấy thấm dầu cho bánh nguội hẳn.

Lưu ý: lửa để rán bánh chỉ ở mức vừa. Nếu quá nóng, bánh sẽ nổ. Nếu không đủ nóng, bánh sẽ nở kém. Trong khi rán cần đảo bánh thường xuyên (chỉ cần dùng đũa đảo nhẹ là được) để bánh nở tròn và chín đều. Ngoài ra, cần kiên nhẫn chiên đến khi ruột bánh khô giòn hết. Nếu phần ruột này còn ẩm thì bánh sẽ ỉu rất nhanh và có vị dai.

Thường thì mình rán 1 mẻ hết khoảng 15 – 20 phút. Để tiết kiệm thời gian, các bạn có thể dùng chảo lớn sâu lòng, nặn nhiều viên bột và rán tất cả trong một mẻ sẽ nhanh hơn. Nếu không rán hết bánh trong một mẻ thì phần bột chưa rán cần được đậy kĩ, nếu không bột sẽ bị khô, làm cho bên ngoài bánh sần sùi.

5. Khi bánh đã nguội hoàn toàn thì làm phần đường áo bên ngoài. Lượng đường có thể thay đổi tùy khẩu vị của bạn. Thường thì mình cân lượng bánh và dùng đường bằng khoảng 1/5 lượng bánh (vd 50 gram bánh thì dùng 10 gram đường). Sau đó cho thêm ít nước (bằng khoảng 1/4 đường).


Cho đường và nước vào nồi. Đun cho đường tan chảy hết nhưng vẫn còn màu trắng rồi cho bánh vào.



Nhanh tay đảo đều rồi bắc ra khỏi bếp. Tiếp tục đảo đến khi đường khô lại hoàn toàn.

Với phần đường này, các bạn có thể thêm các loại hương liệu tùy thích, chẳng hạn như mình có làm một ít với đường vàng và bột quế (cách làm cũng như trên), mùi vị bánh rất thơm, ăn trời lạnh hợp.

Nhìn chung thì làm bánh nhãn không khó, nguyên liệu cũng đơn giản, chỉ hơi mất thời gian khâu nặn bột và rán thôi. Một vài công thức khuyên chỉ dùng lòng đỏ thay vì cả quả trứng. Mình có thử thì thấy bánh nở kém hơn so với khi dùng cả quả trứng, độ giòn xốp cũng kém hơn.

Riêng về phần dầu mỡ để rán bánh: nếu các bạn có mỡ động vật (mỡ rán từ mỡ heo chẳng hạn) để chiên, bánh sẽ thơm ngon hơn là dùng dầu rán. Mình dùng dầu dừa, hơi tốn tí xíu vì dầu dừa bên này không rẻ. Nhưng bánh rất thơm ngon và cũng tốt cho sức khỏe hơn khi dùng dầu ăn.

Bánh sau khi chiên và bọc đường xong có thể bảo quản trong hộp hoặc túi kín trong khoảng 2 – 3 tuần (nhưng mình nghĩ với món bánh này thì chắc khó mà để được lâu như vậy lắm, trừ phi bạn làm cả chục hộp để dự trữ ).

Lưu ý:
- Bánh nhãn đúng kiểu sẽ có ruột đặc, giòn (có thể hơi cứng một chút) và giòn từ trong ra ngoài, không có một tí xíu dẻo nào trong ruột nhé. Bánh làm đủ giòn thì có thể để khá lâu, một vài tuần mà không bị dai hay ỉu.
- Nếu bánh của bạn bị ỉu hay dai sớm thì nguyên nhân có thể là bạn rán bánh chưa đủ kĩ để bánh chín hoàn toàn. Việc này nghe thì đơn giản nhưng khá là khó vì đôi khi nếm thử, vì vỏ ngoài bánh đã giòn rồi nên nhiều khi làm ta không nhận ra được rằng trong ruột bánh chưa thực sự giòn hẳn, vẫn còn chỗ dai.
Túm lại là cần phải kiên trì rán bánh kĩ thì vỏ bánh sẽ giòn thôi. Bạn nào làm bánh chưa được như ý muốn thì đừng nản, thử lại xem sao nhé. Chúc các bạn thành công