Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Book wish list this year - 2015


Không chỉ đơn thuần là câu chuyện về nhà giả kim mà chứa đựng trong đó là những triết lý, ước mơ vô cùng mãnh liệt của chàng chăn cừu, cho ta cảm nhận cái chân thiện mỹ của cuộc sống.
Không đơn thuần "Nhà giả kim" là người luyện kim loại thành vàng mà hơn hết đó là người có thể thấu hiểu ngôn ngữ thế giới, ngôn ngữ vũ trụ bằng cả trái tim.
Quyển sách khiến ta đọc bằng cảm xúc: tin tưởng rằng có ước mơ và theo đuổi đến cùng nhất định sẽ đạt được; hơn là đọc bằng lí trí: suy xét và tranh luận "có hay không" những chi tiết chỉ là giả tưởng;..

Cuốn sách tiếp thêm động lực và niềm tin vào cuộc sống, mang đến bài học về ngôn ngữ của vũ trụ - đó là ngôn ngữ từ tận sâu thẳm tấm lòng, là ngôn ngữ cất lên bằng chính trái tim của mỗi người, là tiếng nói đồng cảm với vạn vật trên thế giới. "Rồi khi anh quyết chí đạt được điều gì, cả vũ trụ sẽ hiệp lực để giúp anh đạt được điều ấy." 





Một Công chúa thực thụ sẽ mãi là một Công chúa cho dù cô ấy khoác trên mình bộ váy kiêu sa hay mặc một chiếc áo cũ kĩ. Sara Crew đã là một nàng công chúa như vậy. Đặc biệt hơn cả là tấm lòng thương yêu mọi người xung quanh của cô bé. Cô bé ấy có một tấm lòng vị tha không phải ai cũng có. 'Công chúa nhỏ" là cuốn sách giáo dục ta về tình yêu thương, về lòng nghị lực, về một cuộc sống đúng nghĩa. Cuốn sách là một áng văn nhẹ nhàng nưng đầy ấn tượng, nó giúp ta nhận ra rằng cuộc sống của ta khi cho đi sẽ nhận về nhiều hơn thế.....
Một câu chuyện mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Cứ đọc đi rồi bạn sẽ hiểu "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình".





Tất cả những ai đã đọc Khu Vườn Bí Mật đều sẽ công nhận đây không hẳn là một tác phẩm văn học thiếu nhi. Ngược lại, cuốn sách được viết ra dường như để dành cho người lớn, những người đã trải nghiệm và có thể đã quên một thời ấu thơ trong trẻo, thánh thiện và nhiệt thành với những niềm vui nho nhỏ.

Khu Vườn Bí Mật kể một câu chuyện về khu vườn bị khóa kín suốt 10 năm trời, cho đến khi được Mary, Colin, Dickon đánh thức và hồi sinh với tình yêu và sự chăm sóc thân thiện.

Khu vườn sống lại cùng với những thay đổi của những người xung quanh. Mary không còn là một tiểu thư ngang ngược. Colin rũ bỏ những tuyệt vọng về sức khỏe để tự hào tuyên bố "sẽ sống mãi". Và như thế, trang viên sáng bừng sức sống con trẻ bởi tình yêu cuộc sống.

Nhân vật của Khu Vườn Bí Mật sống động trong từng trang giấy với những nét đẹp của thời đại, với tính cách và con người lãng mạn nhưng cũng đầy phóng khoáng của phương Tây.

Khu Vườn Bí Mật tựa như một chuyện kể giản dị về cuộc sống, hé mở những cánh cửa đã đóng chặt của một đời người bằng phép màu đến từ cuộc sống mang tên tình yêu.

Cuốn sách là tác phẩm nổi tiếng nhất của Frances Burnett, ra đời cách đây hơn một thế kỷ, mang cảm hứng lãng mạn của thời đại mà bà đã sống nhưng vẫn sống động với thời gian bởi những giá trị thuần khiết về ngôn ngữ và tình cảm.





Thật khó lòng có ai viết về cái đẹp ẩm thực lại thật say mê và đầy nhớ nhung như Vũ Bằng trong Miếng ngon Hà Nội. Với Vũ Bằng, các món ăn không chỉ là những gì làm ta no bụng, mà ông còn đón nhận, cảm nhận, lưu giữ những xúc cảm về nó bằng tất cả sự trân trọng thiêng liêng. Miếng ngon Hà Nội trong tác giả vừa dân dã, vừa chất chơi. Đọc Miếng ngon Hà Nội với bút pháp Vũ Bằng, trước hết, ta thực sự thấy nó ngon, ngon tuyệt vời, ngon đến mức vừa đọc vừa nuốt nước miếng, đọc xong thì ấn tượng không phai. Không chỉ có thế, sau những miếng ngon ấy chính là cái hồn của người Hà Nội, là cái hồn của văn hóa đất Kinh kỳ. Vũ Bằng viết về món ăn, nhưng sao ta lại thấy xúc động về những con người nơi ấy - thấm đẫm cái tình, cái ấm cúng của mảnh đất này. Nét đẹp ẩm thực ở đây chính là ở chỗ, nó mang mọi người đến thật gần bên nhau, mỗi món ăn - hay cũng chính là mỗi ký ức đẹp - gắn liền với con người Hà Nội xưa cũ. Cảm nhận bằng vị giác, thính giác, nhãn quang... đều rất tinh tế, chi tiết, rất đậm chất cá nhân, thể hiện rõ cái gu của người thưởng thức. Đặc biệt hơn cả là cách ông liên tưởng vẻ đẹp của mỗi món ăn với cái nét đẹp của tuổi xuân thì, chân thực như vậy, vừa gợi tả, gợi cảm lại gợi tình như vậy, chắc chỉ có Vũ Bằng mới làm được.
Khép lại cuốn sách, đến cả cái bìa cũng làm ta thèm quá một miếng cốm hồng, khi mà có phải gió thu đang đưa hương lúa tới. 





Ai cũng đã từng có một tình yêu như thế. Những say đắm, ngọt ngào, vỡ vụn, nứt toác đều được ta trân quý và mang vác theo trên những chặng đường đời. Đó là tình yêu mà tuổi trẻ đều phải trải qua. "Tình yêu là không ai muốn bỏ đi" vẽ nên từ cảm xúc của một cô gái điển hình, lời tự sự những đêm không ngủ thể hiện qua sự hỗn độn lấp lánh trong từng câu chữ. Vẫn luôn quanh quẩn trong dòng suy nghĩ tản mạn dường như không lối thoát, tập truyện ngắn/tản văn đáng để nhâm nhi trong một ngày đông giá buốt.




Một buổi chiều đọc Đại gia Gatsby, lòng suy nghĩ thật nhiều. Dù chỉ vỏn vẹn 250 trang giấy nhỏ nhắn, nhưng Đại gia Gatsby quả là một kiệt tác. Bối cảnh truyện vào những năm đầu của thế kỉ XX, được nhuốm bởi nhiều màu sắc khác nhau. Xa hoa có, phù phiếm có, và sau những bữa tiệc tùng linh đình, hòa lẫn, chìm đắm trong những bản nhạc jazz kinh điển của thập niên 20s, là một nhân vật bí ẩn, là một người đàn ông cô độc, nắm trong tay mọi của cải, vật chất giàu sang, nhưng lại không giữ được bàn tay và trái tim cô gái anh hằng si mê. Vốn là một câu chuyện về niềm hi vọng, về niềm tin, nhưng lại là một niềm tin mù quáng, say mê lạc lối, Đại gia Gatsby để lại nhiều day dứt dai dẳng trong tôi hơn hết thảy. Tôi không rõ lắm tình yêu thuần khiết cháy bỏng của anh, niềm vọng tưởng anh đặt vào Daisy thật sự là từ đâu, nhưng tôi mơ hồ hiểu anh đã chạy theo cái gọi là "giấc mơ Mỹ" mông lung ấy.

Điều đầu tiên tôi cảm nhận về cuốn sách này có lẽ là sự bất mãn. Bất mãn vì nhìn thấy "The Great Gatsby" đã được dịch ra tiếng Việt là "Đại gia Gatsby". Tôi chắc nhiều người cũng sẽ có cảm giác bất mãn như tôi thôi. Nhưng chính vì sự bất mãn đó tôi lại tò mò muốn đọc cuốn sách này thay vì phiên bản "Gatsby vĩ đại" vì tôi không tin cái tên Trịnh Lữ - dịch giả với những dòng chữ sâu sắc của "Life of Pi" lại phạm sai lầm như vậy.
Kết quả đã không làm tôi thất vọng. Đây là một tác phẩm rất hay và có cách dịch cũng như những chú thích mang đúng tinh thần tác phẩm chuyển tải. "The Great Gatsby" đã chuyển tải một chân lý vô cùng sâu sắc không chỉ phản ánh một "thời đại Jazz" của Mỹ mà ở tất cả mọi xã hội :"Mọi tuyên ngôn về bình đẳng chỉ là giả hiệu, và cái bất bình đẳng tai hại nhất của xã hội loài người không phải là cái bất bình đẳng về cơ hội, mà là cái bất bình đẳng về chuẩn mực nhân cách cơ bản".
Và đúng như Trịnh Lữ đã nhận định về tác giả cũng như tác phẩm "Fitzgerald đã làm cuộc sinh tồn này hiển lộ đến khủng khiếp, mà cũng khiến cho cái hạt mầm hy vọng dai dẳng đến lạ thường của hiện hữu phải lộ diện, không phải như một viễn vông can đảm, mà là đúng như nó vẫn thế. Và ông làm việc ấy với những con chữ sinh động nhiều tầng nghĩa đầy thi tứ."
"Đại gia Gatsby" là một cuốn sách mang cho tôi nhiều ám ảnh. Cuối cùng, Gatsby là đại gia hay vĩ đại? Có lẽ hãy để mỗi người tự đọc và có những cảm nhận cho riêng mình...



“Giết con chim nhại” là tiểu thuyết tôi nghe đến nhiều nhất. Có lẽ….vì nó hay, lúc đó tôi không biết…..Nhưng giờ sau khi đọc thì tôi có thể khẳng định rằng đây là quyển sách mà ta phải đọc trước khi chết. “Giết con chim nhại” trong sáng trong từng thớ chữ dưới cái nhìn ngây ngô nhưng rất sâu của một cô bé Scout mới tầm 8, 9 tuổi. Tất cả sự thật về cái xã hội bất công được thâu tóm và thể hiện dưới cái nhìn không thể chân thật hơn qua ngôn ngữ của một đứa trẻ đang tuổi mới lớn. Harper Lee rất tài ở điểm xây dựng tuyến nhân vật tuyệt vời; văn ngữ của bà trong trẻo, nhẹ nhàng nhưng chua cay, đau xót khi nói lên số phận của những con người đáng sống bị đè nén bởi nạn phân biệt chủng tộc. Không chỉ thế hơi thở cuộc sống trong “giết con chim nhại” còn thể hiện ở tình cảm ấm áp của gia đình Atticus cùng lòng thương giữa người với người với nhau. Nói chung, nếu bạn đang tìm một cuốn sách giàu cảm xúc để ngẫm nghĩ và yêu cuộc sống hơn thì đây sẽ là một tác phẩm không tồi tí nào nếu bạn để mắt đến.