Nhiều mẹ ib cho mình hỏi xem theo mình cho con học TA ở độ tuổi nào là tốt nhất. Mình không dám đưa ra độ tuổi chính xác nhưng quan điểm của mình là: Con học TA khi bắt đầu đã yêu TV.
Thực tế cho thấy, nếu con chỉ học TA mà không có nền tảng chắc chắn về TV thì quá trình học TA của con sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc viết, việc diễn đạt TA ra TV. Vì thế, để chuẩn bị cho Nam học TA, mình đã tập trung rèn TV, thông qua một quá trình gọi là: Cùng con yêu tiếng Việt.
- Với các bài hát, bài thơ: Nam cũng không thích vụ hát hò lắm nhưng mẹ cứ hát hò suốt ngày thành ra con cũng phải thích theo. Mình chọn những bài hát thiếu nhi dễ thương rồi hai mẹ con cùng hát, cùng nhún nhảy theo nhạc. Những hình tượng mang tính âm nhạc trong bài hát dễ đi vào tâm hồn trẻ thơ, làm trẻ biết rung động trước cái đẹp. Mỗi lần hát xong, mình thường hỏi Nam: Bài hát này có gì làm em thích? Hoặc ví dụ câu: Chích chòe, chích chòe, nó đậu cành tre, véo von mà nó hát mùa xuân cho em nghe. Nghe câu ấy, em hình dung ra cảnh vật thế nào? Đại loại là như thế. Với bài thơ thì có một cách rất hay đó là mình sẽ viết "lời bình" về bài thơ đó và khuyến khích Nam học thuộc. Nghe có vẻ "buồn cười" nhưng Nam đọc lên nghe yêu lắm. Những ghi nhớ gần như vô thức đó sẽ giúp quá trình cảm thụ thơ văn của trẻ sau này.
- Với những câu chuyện: Với các câu chuyện thì có bao nhiêu cách để làm cho con yêu thích TV, những cách phổ biến mình vẫn làm là:
+ Kể lại có đóng vai. Mẹ nhận một vài vai, con một vài vai, phân chia nhau để đọc lại hoặc kể lại.
+ Kể lại có thêm tình tiết khác: Cái này Nam được thỏa sức "bịa" thêm để câu chuyện thêm hấp dẫn. Ví dụ câu chuyện Sự tích hồ Ba bể, có chi tiết bà già hô để dân làng chìm trong lũ lụt, Nam không thích chi tiết này vì thấy bà già có vẻ "ghê gớm" quá nên đổi thành: Cả làng đêm đó đều gặp một giấc mơ kinh hoàng đó là thấy làng mình, cả nhà mình chìm trong biển nước....
+ Kể lại thêm phần sau của câu chuyện.Ví dụ truyện Cây khế, Nam đã thêm phần sau đại loại là: Sau khi người anh mất đi, đại bàng bay về báo cho người em. Người em buồn bã, tuy giận người anh nhưng vẫn rất thương anh. Đại bàng thấy thế mới nói, hãy lên lưng đại bàng chở ra biển, lấy nước biển tưới vào cây khế, thì người anh sẽ sống lại nhưng cây khế sẽ không ra quả và cũng có nghĩa không được "trả cục vàng" nữa. Người em đồng ý và làm theo. Thế là hai anh em gặp nhau mừng vui khôn xiết. Họ sống hiền hòa bên nhau và bên cây khế xanh tốt quanh năm. Hình ảnh con đại bàng và đảo vàng chỉ còn trong trí nhớ... Đấy, đại loại là thế, vui lắm. Có vô vàn cách "thêm vào" khác nhau tùy theo trí tưởng tượng của trẻ.
+ Kể lại thay đổi đại từ của câu chuyện: Ví dụ, câu chuyện Cây tre trăm đốt, ông chủ đang gọi anh Khoai bằng "mày", "tao", nếu bây giờ thay đại từ khác thì ý nghĩa câu chuyện khác đi như thế nào? Đóng lại theo cách thay đổi đó.
+ Kể lại có kèm theo các phương tiện phụ trợ: như rối tay, hình vẽ, bối cảnh sân khấu...
+ Kể lại bằng trí tưởng tượng của mình: Vẫn dựa trên các nhân vật có sẵn nhưng xây dựng một cốt truyện hoàn toàn khác. Ví dụ, truyện Rùa và Thỏ, nhưng Rùa không dùng "tiểu xảo" để thắng Thỏ mà dùng sự nỗ lực của bản thân mình. Truyện Tấm Cám thay đổi phần kết để cô Tấm vẫn là một cô Tấm "đáng yêu".
+ Kể lại kèm theo những nhận xét của mình: Yêu cầu này đòi hỏi sau khi kể, phải đưa ra nhận xét bao gồm: thích/không thích nhân vật nào? Tại sao? Thích/ không thích chi tiết nào? Tại sao? Thích/ không thích phần kết của câu chuyện không? Tại sao?
+ Kể kèm theo lời giới thiệu: Như một sân khấu thực sự, mình là khán giả, Nam là người kể chuyện, nhiệm vụ của Nam phải giới thiệu sao cho hấp dẫn. Cách giới thiệu có thể là: Giới thiệu bằng nội dung của câu chuyện; Giới thiệu bằng một tình tiết hấp dẫn trong truyện; Giới thiệu bằng một nhân vật trong truyện. Cái này Nam làm buồn cười lắm. Mình nhớ, với câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ, hồi 3 tuổi Nam đã giới thiệu như sau: Một cô bé xinh đẹp nhưng ham chơi đi vào rừng thì chuyện gì sẽ xảy ra: Có thể cô ấy sẽ bị lạc? Có thể cô ấy sẽ đi hái nấm? Có thể cô ấy sẽ gặp các chú lùn ( nhớ sang truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn) nhưng sự thực thì còn kinh khủng hơn thế nhiều. Mời các bạn nghe câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ. Hi hi, nghe chết cười nhưng mà rất ngộ phải không ạ.
+ Kể lại cùng với việc rút ra bài học cho bản thân mình: Cái này không làm khô cứng như các bài học đạo đức đâu mà để cho con được tự nói cảm nghĩ, cảm xúc của mình về câu chuyện. Nhiều khi mình cũng bất ngờ vì suy nghĩ của Nam, nó trái với dự tính của mình. Ví dụ, với câu chuyện Bầy chim thiên nga, Nam nói: Bây giờ thì con biết vì sao thiên nga đẹp rồi lại còn có cả nhạc kịch Hồ thiên nga nữa vì đó chính là loài chim tượng trưng cho tình yêu. Cái đôi cánh thiên nga chính là cánh tay của người em biết yêu thương các anh mình nên nó mềm ( Nam làm động tác vẫy lên vẫy xuống), tiếc là con chưa gặp một con thiên nga thật, nếu gặp, con sẽ chạm vào đôi cánh của nó để xem nó có hình dạng giống một bàn tay không... Năm đó Nam 5 tuổi, trí tưởng tượng phong phú, nghe cũng làm mẹ "mềm tim" lắm.
Còn nhiều nhiều cách khác nhưng mình nêu ngắn gọn một vài cách mình thường là với mục đích giúp con yêu thích việc đọc sách, tìm hiểu một cách gián tiếp về kết cấu, nhân vật, cách xây dựng một câu chuyện và quan trọng nhất, con sẽ hiểu vẻ đẹp của ngôn ngữ trong mỗi truyện, yêu và thích thực hành sử dụng tiếng mẹ đẻ.
Tất cả những điều trên tuy đơn giản nhưng mẹ phải là người làm mẫu, hướng dẫn tỉ mỉ. Kiên trì nâng dần độ khó. Có thể thực hiện từ khi con mới học nói, mẹ kể con nghe cho đến khi con đi học tiểu học. Mở rộng dần các thể loại truyện cũng như độ dài của truyện, từng bước từng bước.
Mình luôn dành một khoảng thời gian cố định trong ngày để thực hiện việc này, bận mấy cũng không bỏ. Mỗi khi Nam kể đều ghi âm lại, sau đó những lúc làm bếp, bật lại cho con nghe và cùng cười.
Phù, hôm nay thì dừng lại ở đây cho mọi người đỡ mệt nhé. Mình sẽ tiếp tục chủ đề này, ở nhiều kĩ năng khác.
Chúc mọi người luôn cảm nhận sự ấm áp trong ngày đông lạnh giá nhé!