Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

XIN HÃY LẮNG NGHE, TÔI ĐANG BỊ TRẦM CẢM!



(Chị viết cho em đấy, C. ạ, mong là em sẽ đọc)

Cách đây mấy tháng, có một thiếu phụ đã vào inbox và tâm sự với mình rằng, đọc một stt của mình, biết rằng có một giai đoạn mình từng bị mắc chứng trầm cảm, thế mà phục quá vì bây giờ trông mình rất ổn! Bạn ấy tâm sự, bạn ấy là bác sỹ và cũng đang phải chống chọi với chứng trầm cảm, bạn ấy nói: Mình rất bế tắc và bi quan…


Thế là, mình đã chia sẻ, tâm sự với người thiếu phụ ấy rất nhiều, rất chân thành, ân cần những gì mình đã trải, đã vượt để chống chọi rồi chiến thắng căn bệnh… Sau một thời gian, bạn ấy đã viết cho mình một bức thư rất cảm động: "Hôm nay là sinh nhật mình, mình viết mấy dòng để cảm ơn bạn – người bạn ảo rất đỗi chân thành đã sốc mình đứng dậy, dần dần chiến thắng tâm trạng bi quan, bế tắc và dần chiến thắng bệnh trầm cảm! Đúng là thiện duyên!"

Hôm nay, mình hay tin có cậu em rất thương mến, là một họa sỹ sáng tác, mấy tháng nay bị trầm cảm.. lòng mình chợt se sắt buồn. Và, mình chợt nghĩ, sao không chia sẻ để những ai có những dấu hiệu trầm cảm, hãy tự nhận biết và tự vượt qua cơn bệnh bằng sự vững vàng và một tấm tình yêu dành cho người khác nhiều đến vô hạn!

Phần đông, trong tập quán nghĩ của người Việt, "người bệnh" là người phải nằm bệt một chỗ, hoặc dấu hiệu suy sụp thực thể rất rõ ràng mới ghi nhận họ là "bệnh nhân". "Tâm bệnh' thường bị kỳ thị coi là giả vờ, thường nhận được lời nhận xét "bệnh tưởng" ấy mà! Những người mắc chứng trầm cảm giai đoạn đầu, họ vẫn cố gắng tạo một vẻ ngoài bình thường như: Vẫn làm việc bình thường, vẫn ăn uống bình thường, đi lại bình thường... Do đó, họ có một khó khăn lớn, trong việc giãi bày vấn đề của mình với người thân xung quanh để tìm sự trợ giúp! Mình cũng không phải là trường hợp ngoại lệ!

*Sau vụ ly hôn kéo dài vì những tác động trì hoãn không cần thiết, kèm theo những rắc rối chỉ ở VN mới có… mình rơi vào trạng thái căng thẳng triền miên. Đầu tiên là những cơn đau đầu cứ ngày một dày lên, mí mắt dật không dứt, thường ngồi ngáp liên tục như người nghiện, như cảm giác ngộp thở thiếu ô - xi, hồi hộp, nghĩ đến việc gì cũng lo âu…

*Dần dần, xuất hiện thêm triệu chứng sợ tiếng ồn, căng thẳng, bị kích động, nổi giận nếu bị tiếng ồn, sợ ánh sáng mạnh, đêm mất ngủ, buổi sáng cảm giác chán nản, buồn ngủ, ngủ li bì…

*Tiếp theo là cảm giác chán ghét bản thân, xấu hổ vì sự vô nghĩa của bản thân, nỗ lực làm việc đều bị gián đoạn vì đoản sức và mất khả năng tập trung… dẫn đến hay tủi thân và khóc lóc một mình. Không còn quan tâm đến hình ảnh bản thân, xộc xệch, ngại tắm rửa, tăng cân trầm trọng.

*Tiếp theo là thoáng những cơn thèm chết, muốn được nằm dài như xác chết… kèm những cơn đau đầu vật vã, cơn co thắt các búi cơ vùng vai gáy vật vã, nhức nhối, sập mí mắt triền miên và cảm lạnh thường xuyên dẫn đến nôn mửa, mệt rã rời, mất trương lực cơ. Cơ thể không còn sinh lực, rất sợ người khác phái! Tóc rụng từng mảng và bạc trắng từng sợi.

*Những triệu chứng trên là thường xuyên lặp đi lặp lại, khiến mình luôn phải chống chọi với tâm trạng bi quan, bế tắc, càng phải gắng gượng bề ngoài để làm việc và nuôi con. Sự cô đơn trong cơn bệnh, do nếu bạn nói rằng, em đang bị chứng trầm cảm, sẽ bị mọi người cười cợt, hoặc lơ đi, hoặc cho rằng bạn đang “ảo tưởng” hoặc bạn là người lập dị.

*Mình đã đến khám và điều trị ngoại trú tại khoa thần kinh bệnh viện Bạch Mai với loại thuốc trầm cảm kinh điển và nặng nhất là Prozac chủ đạo, uống hàng ngày.
Sau ba đợt điều trị, mình có cảm giác khỏe khoắn trở lại, vui vẻ hoạt bát trở lại… Nhưng chỉ được khoảng 4 tháng, cơn bệnh với những triệu chứng điển hình đã trở lại, quật mình với tình trạng nặng nề hơn! Thật buồn thay!

*Thời điểm đó, mình cũng giống những người mắc chứng trầm cảm, thường hay dằn vặt bản thân, xấu hổ về bản thân và luôn xuất hiện trong đầu ý nghĩ sống là vô nghĩa lý, nhiều lúc xuất hiện khát khao muốn trở thành xác chết… Tâm trạng nặng nề đè lên cơn bệnh làm bệnh nặng thêm… Bệnh nặng lại làm cho tâm trạng thêm bi quan sâu hơn, cứ thế … Quả là một vòng luẩn quẩn và bế tắc tột độ!

Một ngày kia, đi giữa thiên nhiên, mình đã nhận thấy những gợi ý để tìm ra cách chữa bệnh trầm cảm cho chính mình:

Bắt mạch bệnh:

1- Người đang chống chọi với bệnh trầm cảm thường vừa vượt qua một cơn sốc nào đó, như ly dị, phá sản, tử biệt sinh ly, bị vu khống trầm trọng, vân vân!

2-Người mắc chứng trầm cảm thường là tuyp người có xu hướng mạnh về bán cầu đại não phải, chủ về tư duy hình tượng, nhậy cảm, đa cảm, dễ gặp khó khăn trong những tư duy cần sự khúc triết, rành mạch, sòng phẳng, là người có xu hướng phẩm chất nghệ sỹ trong tâm hồn.

3- Người mắc chứng trầm cảm có hệ thần kinh thực vật khá nhạy cảm, hoặc đã có tiền sử nhạy cảm quá mức, bị chấn động quá mức như ngất xỉu, hoảng loạn trước những cảnh tượng thương tâm, chết chóc.

4_ Người mắc chứng trầm cảm là người thường hay khép mình vào nguyên tắc, kỷ luật tự thân quá mức, đòi hỏi bản thân quá mức và điều dễ nhận thấy, đó là người hay cầu toàn trong mọi việc.

5- Người mắc bệnh trầm cảm là người có xu hướng huyết áp thấp, dẫn đến tụt huyết áp… làm tăng thêm hệ lụy của những triệu chứng trầm cảm và ngược lại.

Hai chứng bệnh này âm thầm tương tác lẫn nhau, đẩy tình trạng ngày một trầm trọng, vật vã của bệnh nhân do bị những cơn co thắt cơ hành hạ, dễ nhiễm cảm lạnh, cảm giác hụt hơi ngộp thở, mất ngủ đêm và ác mộng dẫn đến trạng thái lơ mơ suy kiệt vào buổi sáng… hoành hành không dừng dứt.

Sau khi tự mình phân tích sâu sắc nguyên nhân bệnh của bản thân, mình nhận thức được chứng "trầm cảm" về cơ bản là tâm bệnh - bệnh từ tâm mà ra, cộng hưởng với những dạng cơ địa nhất định như đã nêu trên, khiến cho căn bệnh có cơ hội hoành hành, cả về thân - tâm - trí đều bấn loạn. Vì thế mình nghĩ, muốn thoát khỏi nó, phải bắt đầu từ căn Tâm - bình ổn tâm trí, do đó mình đi tới những quyết định sau:

a-Dừng không điều trị bằng prozac theo đơn bác sĩ (chỉ là thuốc ức chế thần kinh).

b-Uống thuốc nâng huyết áp lên, từ chỗ thường xuyên 90/58 đến mức ổn đinh 100/ 70 (Acalion) kèm liệu pháp vận động vừa sức và lựa chọn ăn uống thực dưỡng.

c- Đọc sách tâm lý hướng nội của Phật học, mà tốt nhất là nên đọc các tác giả như Ngài Thích Nhất Hạnh, Đạt Lai Lạt ma, Kritamuti, Osho. Đặc biệt, mình được thuyết phục bởi những hiểu biết của nhà toán học Albert Einstein về tâm lý hướng nội, khai mở nội tâm của triết học Phật giáo vân vân... để từ đó, mình khai mở những cảm thức, tâm thức của bản thân mà trước nay mình thấy, nhưng mơ hồ chưa thật thấu đáo cảm thức, tâm thức ấy nói lên điều gì về bản thân mình!

d- Biết xả bỏ "Cái Tôi" nhiều hơn, không quá khắt khe với bản thân, không đặt quá kỳ vọng vào bản thân, để bao dung, thương bản thân hơn.

Và, hơn tất cả, điều đó có nghĩa là hãy hướng năng lượng tiếp dẫn của bản thân mình tới đối tượng yêu thương ngoài bản thân như con cái, cha mẹ, người cần được bạn che chở, người coi bạn là chỗ dựa - với mình, cụ thể là cô con gái bé bỏng Minh Khuê lúc đó chưa tròn 3 tuổi. Đây là yếu tố đặc biệt mấu chốt để giúp mình vượt qua cơn bệnh. Vì tình yêu hướng tới, dành cho con cái, cho người đang cần bạn chở che, bảo vệ khiến bạn mạnh mẽ hơn, xả bỏ cái tôi dễ hơn, sốc tâm trạng và thể lực bạn lên một cách có hiệu quả hơn.
Và chắc chắn, thứ tình yêu thuần hậu thiêng liêng đó luôn được Phật Bà Quan Âm linh cảm độ trì!

Tiếp xúc nhiều với thiên nhiên hoa lá, sống vị tha, độ lượng và an hòa với mọi người bằng tấm lòng thấu hiểu “Không có chân lý nào là hoàn toàn đúng. Không có ai lại không đáng được cảm thông trong hoàn cảnh của họ”. Và, dừng dứt phán xét người khác chỉ vì xây đắp cái tôi. Khiêm nhường luôn là đôi cánh cho ta được tự do bay bổng!

Bệnh trầm cảm là một chứng bệnh không hiếm gặp, thậm chí hiện nay rất phổ biến, nó hoành hành trên các nạn nhân vừa trải qua cơn sốc nặng về tâm hồn và trí não. Oái oăn thay, sự chia sớt và trợ giúp của những người xung quanh với các bệnh nhân đau khổ này lại rất mong manh, ít hiệu quả, do mọi người không có sự thấu hiểu và khó cảm nhận được sự tàn khốc của căn bệnh lên bệnh nhân.

Rất nhiều khi, đọc những tin tức về người bệnh trầm cảm tự tử… mình thấy xót xa, thương cảm sâu sắc. Khi người nhà, người thân nhận ra dấu hiệu bệnh ở người mắc chứng trầm cảm để quyết định đưa họ tới bệnh viện (chứ không hẳn là sự hỗ trợ tâm lý một cách sáng suốt ấm áp), ấy là lúc tình trạng bệnh đã quá bi đát rồi!

Hy vọng, với những chia sẻ rất đỗi chân thành này, sẽ giúp những ai đang trên cuộc chiến đối diện, chống chọi một cách đơn độc với căn bệnh trầm cảm, sẽ tìm thấy con đường tươi sáng cho bản thân mình.

Hãy sống và tư duy tích cực, hãy yêu người bằng tất cả tình yêu mình có, xả bỏ cái tôi và thế thì trút được gánh nặng bệnh tật để hoan hỷ sống, dù ngoại cảnh có như thế nào!